Phan Thiết !

THÁI ANH

sắc thu Phan Thiết

vốc lên tay ngụm nước Mường giang
như bắt gặp đáy mùa thu trong suốt
nhớ hun hút
thu căng trời Phan Thiết
Poshanư chiều rưng khúc Chăm nương

ta biếc vào lãng đãng biển sương
thương con sóng vặn mình quanh Mũi Né
gío mát lựng
ru hời tay mẹ
chiều rướn xanh quên cả đang xanh

ta muốn ôm hôn từng ngõ đất nín thinh
những con phố thênh thênh
những mặt người quen lạ

sắc mùa thu mở lòng ra biển cả
chở theo mùa chiếc lá đỏ trong đêm…

xuân trên thành phố trẻ

hớp từng ngụm nắng thiên thanh
cảm lắng ơn người Phan Thiết
sắc vông đỏ trời ơi thao thiết
như chạm môi mùa xuân

tự dặn mình khe khẽ bước chân
nén lòng đừng khóc
xuân bên em mà cứ trào nước mắt
trẻ thơ như chưa từng…

ngọa du sào*

trang sách mở ra trời đầy gió
câu thơ chừng viết dở đêm qua
tách trà thơm cuộn vòng sợi nhớ
tiếng guốc ai vừa động dưới hoa

———————————————————-
*Ngọa du sào: “Ổ nằm chơi” do Nhà Thơ yêu nước Nguyễn Thông lập nên bên hữu ngạn dòng sông Cà Ty, Phan Thiết; hồi cuối Thế kỷ 19.

vẫy tay chiều Phan Thiết

Phan Thiết ta về
Phan Thiết tiễn ta đi
cái bắt tay chưa nói lời muốn nói
gió bấc Mường giang chiều thương đến tội
giọt nắng ngây vàng nắng cũng đằm vai

Phan Thiết ta về
trộn lẫn buồn vui
mới thi thoảng một chiều riêng tư thế
mới thấm thía câu thơ Hàn rớm lệ
phải vẫy tay rồi ta mới thật hiểu ta

Phan Thiết xa rồi
Phan Thiết mình ta
đã lâu lắm mới có lần đưa tiễn
Lầu Ông Hoàng khuyết nửa vầng trăng hẹn
chiều phương nầy thương lắm nửa chiều xa

Phan Thiết bây giờ Phan Thiết ngái xa
ngoảnh mặt lại chạm lòng mình da diết
ơi Phan Thiết
vẫy tay Phan Thiết
còn bao điều chưa kịp nói ra…

mùa đông xào xạc

cánh cò trắng dạo đầu khúc thiên di
đông chếnh choáng tượng hình sau rặng núi
nắng mới nhen dậy màu men mới
gác biển hồ hí bấc – thuyền lay

đâu thấy lạnh mùa đông qua đây
để lao chao cánh bàng xao gió
mây ruổi mây về phố
chiều ướt sũng không gian

đâu khói rờn mà sóng ngất tràng giang
nắng xào xạc ngõ vàng lá rắc
đời rượt đuổi – câu thơ cút bắt
cợt bóng ngày lên mái tóc không hay

mùa đông…
mắt xốn xang màu trắng cát chân mây
nao sóng xoá dấu ngày xa lắc
trang giấy trắng đối diện lòng đêm thức
ngoảnh lối về sương đẫm cốc mây bay

mùa đông…
đâu kịp dừng – chiều rất vội nơi đây
trầm ngọn bấc đã va ngày cận Tết
thèm một đêm về ngả lưng Phan Thiết
bãi trăng thanh rượu rót quên say…

 

Đăng tải tại thơ thái anh | Bình luận về bài viết này

Dáng xưa Sài Gòn

Thái Anh

*

Theo nhau qua phố đông người
Áo bay gió rối tóc dài cũng bay

Không dưng bỗng gặp chốn nầy
Em buồn ngơ dáng liễu gầy thướt tha
Nhìn nhau dấu vẻ đậm đà
Nhìn nhau giả bộ như là lạ nhau…

Em xưa dáng nhỏ qua cầu
Dài bay tà áo vạt sầu vẩn vơ
Biết nhau từ thuở ngày thơ
Xa nhau độ ấy đến giờ còn thương

Văn Khoa ba bốn giảng đường
Ta đi mòn mỏi lối đường quen chân
Tình buồn theo mỏi gót chân…

TA.

Đăng tải tại thơ thái anh | 1 bình luận

“Mây trắng còn bay”, tập thơ giàu sự trải nghiệm

Trần Duy Lý

Nếu không trải nghiệm cuộc sống thì không thể có những câu thơ như thế này:

“Là đàn ông không bao giờ được khóc”
Cha nói với con như vậy
mỗi lần vấp ngả
thuở lên ba…

“Là đàn ông không bao giờ được khóc”
Đứa con bây giờ
nói
với cha!

(Là đàn ông không bao giờ được khóc – trang 12)

Bài thơ có ngần ấy chữ thôi nhưng nó khái quát cả đời người. Vấn đề không dừng lại ở sự yếu đuối của một đứa trẻ trước cuộc đời rộng lớn giống với sự yếu đuối của người già đã bất lực với cuộc đời; ở đây là sự cay đắng đến tột cùng trong cái nỗi đời nhân thế! Cũng may sự trưởng thành của đứa con đã động viên người cha rất lớn. Thái Anh đã nói lên được cái chân lý “con hơn cha là nhà có phúc”!

“Mây trắng còn bay” là tập thơ thứ 3 của Thái Anh sau các tập “Ngụ ngôn xanh” và “Dìu sóng chân mây”.
Anh chọn bài thơ giàu sự suy ngẫm để làm tựa đề cho cả tập thơ của mình thật thấu tình đạt lý:

“với tay…
một nắm mây trời
ơ hơ sương khói mộng đời đó ơ?

trời thì không nắng không mưa
lòng thì không sớm không trưa mà buồn!

mịt mờ là chốn văn chương
đường mây dấu nhạn biết phương nào dừng?

muốn làm vạt nắng rưng rưng
muốn làm mây trắng ngủ lưng chừng đồi

khản lòng một tiếng
chiều ơi…”

(Mây trắng còn bay – trang 63)

Vâng! thơ đúng là vừa thực, vừa ảo tựa như sương khói, tựa như mây chiều… tưởng như nắm bắt nhưng nào nắm bắt được… cảm xúc cứ thế tuôn tràn…

Sự tinh tế trong bài thơ “May trắng còn bay” của Thái Anh được phát triển lên trong thực trạng cuộc đời: …”mịt mờ là chốn văn chương – đường mây dấu nhạn biết phương nào dừng?…”

Biết thế! nhưng không vì thế mà không làm thơ, bởi vì thơ văn bao giờ cũng là cái nghiệp…

Tôi biết, ngoài 3 tập thơ của Thái Anh đã xuất bản, anh còn chuẩn bị xuất bản tiếp 2 tập thơ khác, đó là tập “Nhốt gió” và tập “Lệ đá”.. Tự nhiên tôi với niềm tin, thơ Thái Anh tập sau bao giờ cũng nhích hơn tập trước vì anh có một hồn thơ rất tinh tế, rất nhạy cảm./.

Trần Duy Lý
Phan Thiết, tháng 10. 2011

Đăng tải tại mây trắng còn bay, viết về thái anh | Bình luận về bài viết này

câu thơ ngâu

 

tháng bảy. Mưa ngâu
nhớ vô cùng câu thơ không nỡ viết
buổi bát nháo xô bồ chạy đua đầy bất trắc
đến hạt mưa cũng sắc buốt cả hai đầu

 

 

Đăng tải tại mây trắng còn bay | Bình luận về bài viết này

HAI MÓN QUÀ THƠ TỪ XỨ BIỂN LAGI

* Trần Hoàng Vy

    

 

 

 


Tôi từng có hơn 8 năm dạy học ở Hàm Tân sau những ngày đất nước vừa mới giải phóng. Dấu chân tôi có lẽ đã đi khắp vùng Tân Minh, Tân Nghĩa, Động Đền, Tân Thắng rồi Tân Hải… Mũi Kê gà, để thấm hạt mồ hôi mình vào trong những cồn cát trắng, và thương lắm tuổi trẻ của tôi khi gửi lại ở đó với nhiều kỷ niệm không thể nào quên của những năm tháng “bừng bừng khí thế” và thèm “chén cơm trắng” đến nao lòng! Một huyện ven biển hiền hòa, một thị trấn Lagi nồng nàn vị biển, vị cá… Tôi nhung nhớ đến bây giờ, bởi rất nhiều lẽ… Mà lẽ đầu tiên vẫn là vương vấn vì những bạn bè văn chương ngày đó…

     Sáng nay bưu điện đưa tới một gói thư dày, thấy ghi địa chỉ…Lagi. Ngạc nhiên và hồi hộp. Ôi một món quà thơ từ biển! không phải một mà là hai: “Mây trắng còn bay” của Thái Anh và “ Thơ từ đáy ba lô” của Lương Minh Vũ. Cả hai tập thơ in xinh xắn và cùng một kích cở: 15 X 17cm.

     Tôi có cái thói quen là tất cả thơ văn bạn bè thân hữu gửi tặng, đều rất quí và trân trọng. Dành thời gian đọc. Ghi chép những suy nghĩ của tôi, trao đổi lại cùng bạn bè, coi như đó là sự “bày tỏ tấm chân tình” trước một cây viết yêu quí mình, gửi tặng đứa con tinh thần cho mình. Tôi nghĩ đó cũng là phép lịch sự tối thiểu, thông báo đến bạn là mình đã nhận và có đọc! Thói quen này có người cho là…rỗi hơi, mất thời giờ! Thậm chí có khi…xếp xó, bởi người viết “chưa có tên tuổi”, không cùng “nhóm” với mình! Có người còn nói: Bây giờ có ai đọc ai đâu? Chỉ khi nào có “vấn đề” gì đấy, mới tìm nhau đọc. Buồn quá những suy nghĩ… kiểu “ếch ngồi đáy giếng”!  Bá Nha, Tử Kỳ thời nay dường như hiếm?

     Dài dòng một chút vì bởi Thái Anh và Lương Minh Vũ, những “thi hữu” tôi chỉ mới “kỳ thanh” mà chưa được…”kiến kỳ hình”! Và tôi đến với hai anh như những độc giả yêu mến văn thơ cùng những cảm nhận của mình…

     Ba mươi bài thơ, hai phụ bản thơ phổ nhạc, đó là những gì mà Thái Anh ấp ủ trong “Mây trắng còn bay” do NXB Văn hóa- Văn nghệ ấn hành. Thơ của Thái Anh nhẹ nhàng, bảng lảng như chính cái tựa đề “mây trắng”, đấy là “Biết buồn từ biết làm thơ/ Biết yêu từ biết tay đưa em về” và “Rất dài là chuỗi nhớ nhung/ Mênh mông là những không dưng nỗi buồn” (Lagi, trang 27), từ một vùng biển nơi Thái Anh sống, những ẩn dụ qua “ những người đàn bà…”  là: “Mùa đông…/ người đàn bà biển/ gió/ và cát/ ngón tay thô ráp như lớp men chiếc bình sứ mắt cua da rạn/ thoăn thoắt nắm lá dương khô/ đi qua ngày khô khát/….đâu biết thế nào là hơi ấm bàn tay nắm chặt”  (trang 16). Thái Anh đã nghĩ về quê mẹ rất xa, đó là vùng đất Lam- Hồng “Quê nhà ai nhắc trong ta/ Màu trời ai nhuộm mà ra nỗi lòng?/ …Cầm bằng hạt sỏi đầu thung/ thì lăn, lăn đến kiết cùng với quê/ Xa lâu ước một đêm về/ Gối đầu đất mẹ vỗ về trăm năm..”  (trang 29). Thơ Thái Anh cũng có những suy tư, dằn vặt: “Đêm thế làm sao ta ngủ được/ biển trăng Cổ Thạch đến long lanh/ Cứ nghĩ gần chùa là tâm tịnh/ Ai hay đá cuội cũng đa tình” (trang 42), Thái Anh đối với bạn bè là: “Soi đâu cho thấu tim đen/ Yêu sao cho khắp nghiệp duyên phận người? Thơ không gánh nỗi đau đời…” ( trang 58), hay nhà thơ khóc để tiễn chân một người anh cùng làm thơ: “ Năm người sáu ly rượu/ Tiễn chân, ừ tiễn chân…/ Cuộc chơi còn chưa mãn/ cuộc thơ mới nữa chừng/ lẽ nào anh đã chán?” (trang 59).

     Đọc các bài “ nụ cười La Joconde”, “ Ký gửi nỗi buồn ATM” đã thấy một Thái Anh có ý thức làm “mới” mình, qua những câu thơ dồn nén, lấp đi những cảm xúc, phô những con chữ chưa thấy động đậy? Thơ Thái Anh như trong bài “Sen Tây Hồ” được Bùi Tuấn Anh phổ nhạc mới thực là cái tạng của Thái Anh: “Mờ sương thuyền đợi bến/ Hẹn người đi hái sen/ Sen Tây hồ trắng muốt/ Người Tây hồ như sen…/ Sang thu thuyền đỗ bến/ Tây hồ đâu còn sen/ Người Tây hồ không đến/ Nhớ Tây hồ/ nhớ sen?…” (trang 68). Bài thơ đẹp như một bức tranh. Nhẹ nhàng mà sâu lắng!…

     Với người “cựu binh” Lương Minh Vũ, tập “Thơ từ đáy ba lô”, NXB Hội Nhà Văn ấn hành tháng 9/ 2011, dường như đã mang cái hơi hướng của người người lính ở chiến trường trong những năm chống giặc Ponpot, và tiểu phạt Phun-rô ở vùng rừng núi biên giới Daklak. Lương Minh Vũ đa tài, anh làm thơ, vẽ tranh phụ bản và viết nhạc. Đó là con người của Thi- Nhạc- Họa. Mà đa tài thường gắn với đa tình và khổ lụy, liệu có phải vậy?

     Chợt nhớ ở Bình Thuận, những bạn bè văn chương mà tôi quen biết thân thiết. Một Nguyễn Như Mây, thơ cũng giống như cái bút danh của anh. Một Lê Nguyên Ngữ, lúc còn làm thơ, với những bài thơ hào sảng của tâm tình người Phan Thiết, hay Nguyễn Bắc Sơn mà tôi nễ phục v.v… Lương Minh Vũ cũng là dân Hàm Thuận Bắc (Phan Thiết), cái cốt cách thơ Vũ cũng có những điều khác… thú vị! Mở đầu tập thơ là đoạn văn mang tiêu đề “Mở” lảng đãng những tâm sự, giống với tùy bút và… gần với “những lời ngỏ” của các tập đặc san tuổi học trò năm nào. Thì đây là những kỷ niệm của chính Vũ, người con xứ biển lên với núi rừng: “ Đêm nay giữa rừng/ Ta quần tụ yến anh/ những sĩ-tốt của thời hiện đại/ Uống nỗi buồn/ Bằng một chén sắt/ nỗi buồn cứ chạy vòng quanh” ( trang 9). Và đó là nỗi đau của sự “tống biệt”: “ Người đi sóng vỗ lưng triền/ Tôi về quá đỗi xà- niên trên rừng” rồi “ Vẫy tay, bi thống reo, hề!/ Người xuống biển cả, tôi về non cao” ( trang 13).

     Thơ của Lương Minh Vũ hầu hết ghi làm ở…rừng Tây nguyên, từ Đắc Tô, Tân Cảnh tới Krongpach, Krongbuc… nên nó cứ trăn trở, đau đáu một nỗi nhớ biển, nhớ đồng bằng đến…nghẹn “ Mai trả rừng xưa mắt nghẹn ngào/ và em chút nhớ, cũng dù sao…/ một đời ta hận đường gai nhọn/ vương vỡ chân ai giọt máu đào” ( trang 26), và đây nữa “ Mai ta nằm xuống cũng cười/ Lá ơi! Đứng khóc hai mươi lìa rừng…” (trang 33).

     Bắt gặp ở thơ Vũ nhiều từ như “ xà- niên, bạch diện, thư sinh, cuồng điên nhân thế, Mán- Thượng” v.v… những từ xưa, nay ít dùng. Vũ hoài cổ hay vì thơ muốn “hạo nhiên tráng khí” thế hiện cái mộng “giang hồ xứ” mà phải dụng những từ ấy chăng? Cái cũ, mới đôi khi không đắc địa mà cứ mang mang một nỗi…

     Khúc đoản văn đóng lại tập thơ, ghi năm 1983, “những ngày giã từ áo lính” chốt lại 31 bài thơ và nhạc, âm hưởng như tiếng sóng chiều đồi Dương. Lạnh, buồn, xen chút náo nức của lối mới: “Đóng” là chuẩn bị mở ra một cánh cửa khác. Phải vậy không con người tài hoa Lương Minh Vũ?

     Hai tập thơ, hai phong thái khác nhau, song họ đang cùng ở chung một địa chỉ: Lagi, mảnh đất hiền, nghèo nhưng luôn đầy gió và tình người, nơi ấy là quê của Nguyễn Ngu Í, Bác sĩ Nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc, cùng nhiều văn nghệ sĩ khác. Xin cám ơn hai người bạn thơ, và tôi nghĩ hai tập thơ của các bạn, cũng đã là những tiếng sóng làm vang lên những rung động trong lòng người yêu thơ hôm nay.

Bên bờ Vàm Cỏ, 25/9/2011

TRẦN HOÀNG VY  

Bấm để xem: “MÂY TRẮNG CÒN BAY” Thơ THÁI ANH

Đăng tải tại Chung, viết về thái anh | Bình luận về bài viết này

Đêm thơ Nguyên tiêu 2011: Viết từ núi Nhạn

Lương Văn Lễ 

Nguyên tiêu năm nay, trong khi cả nước nô nức tổ chức ngày thơ Việt Nam lần thứ 9, thì tại Tuy Hòa, đây đã là đêm thơ Nguyên tiêu lần thứ 31, đó quả là điều đáng tự hào của riêng tỉnh Phú Yên.

Khi tôi háo hức lần theo con đường thơ lên núi Nhạn, thì lễ hội thơ của Phú Yên đã bước sang ngày thứ 2. Người yêu thơ Phú Yên đã “no nê” cảm xúc sau đêm “nguyệt chính viên”, ấy vậy mà trên con đường thơ vẫn rộn rịp bước chân người. Có lẽ trên đất nước này, không ở đâu mà thơ lại được dành riêng cho một không gian trang trọng như ở Phú Yên. Khắp thành phố thủ phủ của tỉnh, băng rôn biểu ngữ giăng giăng quảng bá cho ngày thơ Việt Nam, cho đêm thơ núi Nhạn. Sân khấu đặt trên đỉnh núi, ngay dưới chân ngôi tháp cổ, nhưng khi vừa qua cổng thơ ở chân núi, thơ đã được in khổ rộng, treo trang trọng dọc suốt lối đi. Khách đến dự đêm thơ, thả bộ dọc đường thơ, dăm ba bước lại dừng, chăm chú đọc.

Trong khu triển lãm chung xung quanh khu vực đền liệt sĩ, thơ được trình bày trong sự hài hòa giữa ngôn ngữ và hình thức, trông hết sức trang trọng mà gần gũi. Thơ in trên cánh buồm, trên cánh quạt, trên các khung tre được thiết kế theo phong cách dân gian, sắp đặt xen lẫn với các bức ảnh nghệ thuật nổi tiếng, tạo nên sự đa dạng về nội dung và phong phú hình thức.

alt

Từ đền liệt sĩ lên Tháp Nhạn là khu vực trưng bày thơ của các tác giả 7 tỉnh duyên hải miền Trung do các hội VHNT địa phương chọn lọc và gửi về; trong số ấy, tỉnh Bình Thuận có tác phẩm “Trở về” của nhà thơ Đỗ Quang Vinh và “Rượu Làng Vân” của nhà thơ Thái Anh.

Sân khấu đêm thơ được thiết kế nhỏ gọn dưới chân tháp Nhạn, đảm bảo sự hài hòa với không gian của một khu di tích cổ. Mặc dù đã là đêm thơ thứ hai liên tiếp được tổ chức tại đây nhưng khách thơ vẫn kéo về nườm nượp. Trước khi bắt đầu đêm thơ, ban tổ chức tiến hành trao giải “Người đẹp Nguyên Tiêu qua ảnh nghệ thuật”. Được ngắm nhìn các người đẹp được vinh danh trong đêm hội thơ cũng là sự sáng tạo độc đáo, vì xét cho cùng, chính các người đẹp cũng góp phần khơi nguồn cảm hứng cho nghệ thuật, trong đó có thơ. Các tỉnh tham gia Hội thơ được chọn một tác phẩm, và chính các tác giả được mời lên trình bày tác phẩm của mình và giao lưu với bạn thơ.

Đêm thơ khép lại bằng việc thả các chùm bong bóng mang theo các bài thơ được vinh danh trong đêm hội lên trời. Đêm thơ đã kết thúc mà khách thơ như vẫn còn lưu luyến, nấn ná lại để chụp hình lưu niệm, để gặp gỡ hàn huyên. Trên cao, vầng trăng mười sáu bàng bạc tỏa sáng xuống ngôi tháp cổ. Đường thơ níu chân khách thong dong xuống núi. Đêm đã khuya mà dường như không ai vội vã, dường như vẫn còn gì đó tần ngần luyến tiếc với mùa thơ.

Có thể nói, đêm thơ Phú Yên đã khép lại với sự thành công ngoài mong đợi. Ở đây, thơ không chỉ nâng đỡ, dìu dắt tâm hồn, thanh lọc tư tưởng, xóa bỏ ưu phiền cho con người, mà thơ còn tham gia vào việc phát triển du lịch. Núi Nhạn ở Phú Yên được nhiều người biết đến không chỉ vì nơi đây có di tích tháp Chăm cổ kính, không chỉ vì có đền liệt sĩ trang nghiêm, mà còn được biết đến  với con đường thơ và lễ hội thơ đã trở thành truyền thống.

Đêm thơ Phú Yên thành công không chỉ nhờ vào truyền thống yêu thơ và sáng tác thơ trải suốt chiều dài 400 năm lịch sử của tỉnh, mà đây còn là kết quả của một chuỗi cố gắng của những người yêu thơ, mà trong đó Hội VHNT đóng một vai trò đặc biệt quan trọng. Ngay từ sau tết, các cuộc hội thảo về thơ đã được tổ chức khắp các huyện thị trong tỉnh, có tác dụng nhen nhóm, khơi gợi sự háo hức trong lòng những bạn yêu thơ. Đêm thơ núi Nhạn từ lâu đã trở thành một “thương hiệu” trong ngành du lịch Phú Yên. Trong đêm hội, tôi thấy có rất nhiều du khách ngoại quốc. Có thể trong số ấy có nhiều người không biết tiếng Việt, không hiểu thơ Việt, nhưng cách đối đãi với thơ của con người nơi đây có thể khiến họ phải tôn trọng, phải khâm phục và quý mến.

Để tổ chức hội thơ Nguyên tiêu năm nay, Phú Yên đã chi ra 230 triệu đồng, cộng với các nguồn xã hội hóa lên đến gần 500 triệu, nhưng đổi lại, họ đã gặt hái được rất nhiều thành tựu về kinh tế, về xã hội, mà đặc biệt là văn hóa.

Đầu tư cho văn hóa là sự đầu tư không chỉ cho hiện tại, mà nó sẽ còn lưu giữ và phát triển giá trị qua rất nhiều thế hệ, sẽ trường tồn cùng lịch sử, và đó chính là điều mà chúng ta cần suy gẫm và học hỏi.

Lương Văn Lễ

Đăng tải tại thân hữu | Bình luận về bài viết này

Giao lưu “Hội Thơ Nguyên Tiêu Phú Yên 2011”

Đà Rằng: đã đến Phú Yên
đọc thơ Núi Nhạn, thức đêm Tuy Hòa
lòng còn Đại Lãnh, Sông Ba
tay vin Đèo Cả tình đà Cù Mông

lạ lùng con mắt lá răm…

(Phú Yên – thơ Thái Anh)

“Đường thơ nào chẳng gập ghềnh?”…Tháp Nhạn với Đường Thơ gấp khúc tầng mây…

Hội Thơ Nguyên Tiêu Phú Yên 2011…

Đường Thơ…

Rủ nhau đi trẩy Hội Thơ…

“Nhặt thơ” trên Đường Thơ…

Dập dìu Tài tử – Giai nhân…

“Vườn Thơ” Núi Nhạn…

Trình diễn Thơ Phú Yên…

Triển lãm Ảnh nghệ thuật …

Trình diễn Thơ Cổ…

Trăng Nguyên Tiêu lung linh Tháp Cổ…

Các Tiên Nữ đăng quang Cuộc thi “Người Đẹp Nguyên Tiêu qua ảnh Nghệ thuật”…

Đêm liêu trai với tiếng thơ tiếng sáo lưng trời …

Thơ Bình Thuận trên Đường Thơ núi Nhạn
(Trở về – thơ Đỗ Quang Vinh)…

Thái Anh với “Rượu Làng Vân”…

Thái Anh với Hội Thơ Nguyên Tiêu Phú Yên 2011…

“Cảm tưởng” về đêm thơ Núi Nhạn với Phóng viên Đài PT-TH Bình Thuận…

Cùng thả thơ nào…

Bay lên thơ ơi cùng vươn tới tầm xa Nhân loại…

Đoàn Văn Nghệ Sĩ Bình Thuận Giao lưu cùng các Đoàn Văn Nghệ Sĩ TP.HCM, Huế, Đà Nẵng, Hải Dương và 7 Tỉnh Duyên Hải Miền Nam Trung Bộ tại “Hội Thơ Nguyên Tiêu Phú Yên 2011”:

Đăng tải tại Chung | 3 bình luận

Đêm thơ Nguyên Tiêu Bình Thuận 2011

Trăng Nguyên tiêu Phan Thiết…

Chủ tịch Hội VHNT-BT, Nhà văn Khánh Chi khai mạc đêm thơ…


Phó Chủ tịch Tỉnh BT tặng hoa tôn vinh các Văn Nghệ Sĩ nhân Ngày Thơ Việt Nam…


“Nam Quốc Sơn Hà”… 

Một tiết mục ngâm thơ…

Phụ diến thơ với múa Chăm Bình Thuận…

Nhà thơ giao lưu cùng Người yêu thơ…

Nhạc sĩ lão thành Lê Hoàng Chung…

Nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn và các Văn Nghệ sĩ Phan thiết…

Thành phố Phan thiết thanh bình trong đêm Nguyên Tiêu…

Đăng tải tại Chung | Bình luận về bài viết này

thơ ĐOÀN VŨ

TÂM KHÚC

Tặng INRASARA

Ngày của tháng gieo mùa hạ cổ, xưa rất xa đến “Tháp nắng ” thăng trầm. Tiếng kèn Saranai nhập hồn tôi ngày hội, những giọt nước của trời lất phất đêm Katê.

Tôi đứa con trong những đứa con, tháp hiển linh giục về ngày hội, dẫu sao…tôi trầm mặc tìm về.

Tháp nắng Sara* ư, thật tình tôi khát thèm những rêu phong dạn dày trên cổ tháp, nhịp vỗ Baranưng thổn thức ngày về. Ở độ cao của dáng tháp vốn cao, tôi mãi nhón chân nhìn dòng sông Lu trôi bên chiều chầm chậm mặn mòi mang hơi thở phù sa. Tựa bóng chiều dáng núi níu xa xa những vũ nữ ÁpSaRa cõng thăng trầm về cội; tôi biết tôi hiền khô như dòng sông Lu đâu có lỗi mà bước chân sột soạt tiếng thăng trầm!

Tôi đứa con trong những đứa con mang âm hưởng của ngụ ngôn ngưỡng mộ nhập hồn cổ tháp hơi trăng…

Tôi cúi người lặng bên tháp trân trân. Những vệt trăng nhân từ độ lượng chảy êm đềm trên dòng sông Lu.

* Tập thơ “Tháp nắng” của INRASARA

.

ĐÊM BÊN ĐỀN BẾN DƯỢC

Trăng cong khắng khít hồn thiêng
Nghe văng vẳng tiếng ba miền gọi nhau
Nén nhang cong đến nghẹn ngào
Các anh, chị…có khi nào hồi hương?

.

GỌI BIỂN

Tháng giêng chiều như đi ngược. Người đàn bà lầm lũi lang thang bên biển môt mình. Tiếng gió cứ rú bên bờ dương xanh. Nén nhang cầm trên tay chị chưa kịp thắp, hoàng hôn tím thẫm một màu.

Đâu có lạ gì bởi ngoài kia là biển. Biển của môt thời anh ra khơi. Biển của môt đêm tiếng chó tru lành lạnh,âm thanh của một đêm đâu lành lặn nữa rồi! Mấy chốc mà đã hơn một năm…

Tháng giêng biển chiều gần như mộng mị. Từng con sóng vỗ dạt dào. Con còng lạ lẫm hơi người trố mắt nhìn rồi chạy về hang một mạch. Giống như anh trốn chạy ngày nào…mà hình như không đâu thì phải?!Anh vẫn nặng tình, nặng nghĩa. Chỉ có biển vô tình giấu mất anh thôi!

Tháng giêng, người đàn bà bên biển mồ côi. Chiếc thuyền mộng rách bên trời một tối. Người đàn bà vóc một ngụm nước đưa lên môi rồi ngồi bên mép biển, rồi thút thít, rồi thầm thì…rồi ôm biển vào lòng.

Và hình như
có tiếng ngoài kia
vọng lại

.

NGƯỜI LÍNH HOA QUỲNH VÀ NỖI NHỚ

Mùa này ở đây cái rét đậm biên cương
Đêm thao thức trầm tư anh nhớ về hương quỳnh hoa dạo ấy
Cái xốn xang bỗng lòng mình ngẩn vậy?
Màu trắng hương quỳnh quanh quẩn đâu đây…

Người lính trầm tư trong đôi mắt thơ ngây
Qua nổi nhớ đêm tự tình hoa quỳnh bên em thầm nở
Âm ấm làn môi em cười bỡ ngỡ
Bẽn lẽn hoa quỳnh hương nhẹ thoảng đưa

Biết bao khoảng trời riêng bao nỗi nhớ cho vừa
Em ngồi lặng trăng khuya vàng suối tóc
Nhớ mãi độ nào chia tay em khóc
Bịn rịn thầm trao hẹn ước riêng mình

Cánh hoa rừng hôn nhẹ vẫn lặng thinh
Đêm biên giới mơ về em xa quá
Nơi đối mặt có đêm nào yên ả
Mỗi trong giấc mơ cũng phải đợi chờ

Màu trắng hoa quỳnh lâng lâng hồn thơ
Con suối đôi bờ con chim đôi cánh
Có lẽ đâu ta suốt đời hiu quạnh
Cột mốc biên thùy đang mãi ở trong anh

Rừng nhớ nhiều nên cứ vương vấn màu xanh
Vẫn thức trong anh hoa quỳnh sắc lá
Ngứa mặt nhìn trời khát khao kỳ lạ
Trăng lặn lâu rồi mà nỗi nhớ cứ dâng cao

Màu trắng hoa quỳnh áo em chiều nao
Rừng ở đây sao cứ trắng nhiều hoa trắng
Hôn nhẹ chùm hoa cũng tình sâu nghĩa nặng
Ôi! Hoa quỳnh quanh quẩn ở đâu đây.

.

Dáng Xưa

Một chút
rượu
Một chút
tình
Một trời

đã
tạc hình
dáng xưa
Mái hiên thoảng
chút hương thừa
Trời trưa cũng động lòng mưa
dạt dào…

Cõi lòng mở tựa chiêm bao
Hứng đầy thưong nhớ
nghẹn ngào dáng xưa.

.

Hà Nội Mưa

Buổi sáng
mưa
Hà Nội choàng hơi lạnh
Trời giao thoa
thu trốn
bấc về
Con phố cũ như lòng người lữ khách
Ngày trở về
chốc chợt gặp mưa
mưa.

Mưa
mưa tới tấp phố Tràng Tiền sũng nước
Ghì quán cafe tìm nét mộng
bên đời
Cây sấu già trơ gốc giữa trời
Kí ức phát thảo vô hồi… xoáy trong lòng bão nổi
Hà Nội cạn thu – mùa thu đi quá vội
Chiều hồ Gươm nháo nhác tiếng Sâm Cầm

Lững thững đội mưa lặng thầm
Mùi ngô thơm ai mới nướng?
Như hơ âm ấm tận lòng

Hà Nội ơi!
Những thằng bạn thời sinh viên nhập ngũ co ́về không?
Nghe… lắm đứa mê chiến trường nằm lại!!
Bố, mẹ đêm đêm hướng về Nam tuần nhang…

Hà Nội chiều nay ta đội mưa lang thang
Ta thèm một cốc rượu nóng
Ta thèm một nụ hôn cháy bỏng
Đánh rơi ở một chiều công viên…

Hà Nội mùa này đâu vắng những con mưa”
Cơn mưa hai nghìn linh chín
Mưa dịu dàng mát mặt Tháp Non Nghiên.

Soi vào đâu cũng dáng dấp Cha, Ông
Soi vào đâu cũng con Lạc, cháu Hồng
Soi vào đâu cũng thấy mình bé bỏng
Soi vào đâu cũng nghe lòng bịn rịn
Hà Nội
kín trời
mưa bấc
mưa.

Đăng tải tại thân hữu | Bình luận về bài viết này

Hoa Lư

Thái Anh

Hoàng Cung
không còn cung điện
đất Vua
không thấy bóng Vua
không nhánh cờ lau tập trận
Hoa Lư mây trắng ngang đầu

đá dựng mà như kiếm dựng
Mã Yên linh ứng
bay cờ
có phải người nghìn năm trước
thuyền ngự vừa neo sông Vân?*

dáng ngự
như hình Non Nước**
Long bào tìm trao Minh Quân
bất chợt Sào Khê sấm động
trống chầu hay trống thu không?

sông Đáy
chiều đi
xa lắc…
núi Thơ níu bước khách thơ
đôi mắt Tràng An như ngọc
ta chẳng quân vương
cũng hảo cầu!

TA.
10.2010

————————————————————-

* Sông Vân là một dòng sông có giá trị lịch sử, nơi gắn với các chiến công của Việt Nam trong kháng chiến chống quân nhà Tống dưới thời vua Lê Đại Hành. Tương truyền, khi Lê Hoàn đánh thắng giặc Tống trở về Hoa Lư, Dương Vân Nga đã kê giường bên bờ sông đón. Từ đó mà sông có tên là Vân Sàng (giường mây).

** Núi Non Nước (tên cổ Dục Thúy Sơn, còn gọi Núi Thơ) ngọn núi nằm ngay trên ngã ba sông Vân với sông Đáy, là một tiền đồn nằm ở cửa ngõ phía đông thành phố Ninh Bình. Đây là nơi chứng kiến cuộc chuyển giao chế độ quan trọng trong lịch sử đất nước: dưới chân núi, hoàng hậu nhà Đinh, Dương Vân Nga đã trao Long Bào nhường ngôi Vua cho tướng quân Lê Hoàn trước giờ lên đường cầm quân đánh đuổi quân xâm lược nhà Tống lần thứ nhất, mở ra chiến thắng vang dội trong lịch sử dân tộc. (Theo: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia).


Núi Thơ níu bước khách thơ…


Đăng tải tại thơ thái anh | Bình luận về bài viết này