HAI MÓN QUÀ THƠ TỪ XỨ BIỂN LAGI

* Trần Hoàng Vy

    

 

 

 


Tôi từng có hơn 8 năm dạy học ở Hàm Tân sau những ngày đất nước vừa mới giải phóng. Dấu chân tôi có lẽ đã đi khắp vùng Tân Minh, Tân Nghĩa, Động Đền, Tân Thắng rồi Tân Hải… Mũi Kê gà, để thấm hạt mồ hôi mình vào trong những cồn cát trắng, và thương lắm tuổi trẻ của tôi khi gửi lại ở đó với nhiều kỷ niệm không thể nào quên của những năm tháng “bừng bừng khí thế” và thèm “chén cơm trắng” đến nao lòng! Một huyện ven biển hiền hòa, một thị trấn Lagi nồng nàn vị biển, vị cá… Tôi nhung nhớ đến bây giờ, bởi rất nhiều lẽ… Mà lẽ đầu tiên vẫn là vương vấn vì những bạn bè văn chương ngày đó…

     Sáng nay bưu điện đưa tới một gói thư dày, thấy ghi địa chỉ…Lagi. Ngạc nhiên và hồi hộp. Ôi một món quà thơ từ biển! không phải một mà là hai: “Mây trắng còn bay” của Thái Anh và “ Thơ từ đáy ba lô” của Lương Minh Vũ. Cả hai tập thơ in xinh xắn và cùng một kích cở: 15 X 17cm.

     Tôi có cái thói quen là tất cả thơ văn bạn bè thân hữu gửi tặng, đều rất quí và trân trọng. Dành thời gian đọc. Ghi chép những suy nghĩ của tôi, trao đổi lại cùng bạn bè, coi như đó là sự “bày tỏ tấm chân tình” trước một cây viết yêu quí mình, gửi tặng đứa con tinh thần cho mình. Tôi nghĩ đó cũng là phép lịch sự tối thiểu, thông báo đến bạn là mình đã nhận và có đọc! Thói quen này có người cho là…rỗi hơi, mất thời giờ! Thậm chí có khi…xếp xó, bởi người viết “chưa có tên tuổi”, không cùng “nhóm” với mình! Có người còn nói: Bây giờ có ai đọc ai đâu? Chỉ khi nào có “vấn đề” gì đấy, mới tìm nhau đọc. Buồn quá những suy nghĩ… kiểu “ếch ngồi đáy giếng”!  Bá Nha, Tử Kỳ thời nay dường như hiếm?

     Dài dòng một chút vì bởi Thái Anh và Lương Minh Vũ, những “thi hữu” tôi chỉ mới “kỳ thanh” mà chưa được…”kiến kỳ hình”! Và tôi đến với hai anh như những độc giả yêu mến văn thơ cùng những cảm nhận của mình…

     Ba mươi bài thơ, hai phụ bản thơ phổ nhạc, đó là những gì mà Thái Anh ấp ủ trong “Mây trắng còn bay” do NXB Văn hóa- Văn nghệ ấn hành. Thơ của Thái Anh nhẹ nhàng, bảng lảng như chính cái tựa đề “mây trắng”, đấy là “Biết buồn từ biết làm thơ/ Biết yêu từ biết tay đưa em về” và “Rất dài là chuỗi nhớ nhung/ Mênh mông là những không dưng nỗi buồn” (Lagi, trang 27), từ một vùng biển nơi Thái Anh sống, những ẩn dụ qua “ những người đàn bà…”  là: “Mùa đông…/ người đàn bà biển/ gió/ và cát/ ngón tay thô ráp như lớp men chiếc bình sứ mắt cua da rạn/ thoăn thoắt nắm lá dương khô/ đi qua ngày khô khát/….đâu biết thế nào là hơi ấm bàn tay nắm chặt”  (trang 16). Thái Anh đã nghĩ về quê mẹ rất xa, đó là vùng đất Lam- Hồng “Quê nhà ai nhắc trong ta/ Màu trời ai nhuộm mà ra nỗi lòng?/ …Cầm bằng hạt sỏi đầu thung/ thì lăn, lăn đến kiết cùng với quê/ Xa lâu ước một đêm về/ Gối đầu đất mẹ vỗ về trăm năm..”  (trang 29). Thơ Thái Anh cũng có những suy tư, dằn vặt: “Đêm thế làm sao ta ngủ được/ biển trăng Cổ Thạch đến long lanh/ Cứ nghĩ gần chùa là tâm tịnh/ Ai hay đá cuội cũng đa tình” (trang 42), Thái Anh đối với bạn bè là: “Soi đâu cho thấu tim đen/ Yêu sao cho khắp nghiệp duyên phận người? Thơ không gánh nỗi đau đời…” ( trang 58), hay nhà thơ khóc để tiễn chân một người anh cùng làm thơ: “ Năm người sáu ly rượu/ Tiễn chân, ừ tiễn chân…/ Cuộc chơi còn chưa mãn/ cuộc thơ mới nữa chừng/ lẽ nào anh đã chán?” (trang 59).

     Đọc các bài “ nụ cười La Joconde”, “ Ký gửi nỗi buồn ATM” đã thấy một Thái Anh có ý thức làm “mới” mình, qua những câu thơ dồn nén, lấp đi những cảm xúc, phô những con chữ chưa thấy động đậy? Thơ Thái Anh như trong bài “Sen Tây Hồ” được Bùi Tuấn Anh phổ nhạc mới thực là cái tạng của Thái Anh: “Mờ sương thuyền đợi bến/ Hẹn người đi hái sen/ Sen Tây hồ trắng muốt/ Người Tây hồ như sen…/ Sang thu thuyền đỗ bến/ Tây hồ đâu còn sen/ Người Tây hồ không đến/ Nhớ Tây hồ/ nhớ sen?…” (trang 68). Bài thơ đẹp như một bức tranh. Nhẹ nhàng mà sâu lắng!…

     Với người “cựu binh” Lương Minh Vũ, tập “Thơ từ đáy ba lô”, NXB Hội Nhà Văn ấn hành tháng 9/ 2011, dường như đã mang cái hơi hướng của người người lính ở chiến trường trong những năm chống giặc Ponpot, và tiểu phạt Phun-rô ở vùng rừng núi biên giới Daklak. Lương Minh Vũ đa tài, anh làm thơ, vẽ tranh phụ bản và viết nhạc. Đó là con người của Thi- Nhạc- Họa. Mà đa tài thường gắn với đa tình và khổ lụy, liệu có phải vậy?

     Chợt nhớ ở Bình Thuận, những bạn bè văn chương mà tôi quen biết thân thiết. Một Nguyễn Như Mây, thơ cũng giống như cái bút danh của anh. Một Lê Nguyên Ngữ, lúc còn làm thơ, với những bài thơ hào sảng của tâm tình người Phan Thiết, hay Nguyễn Bắc Sơn mà tôi nễ phục v.v… Lương Minh Vũ cũng là dân Hàm Thuận Bắc (Phan Thiết), cái cốt cách thơ Vũ cũng có những điều khác… thú vị! Mở đầu tập thơ là đoạn văn mang tiêu đề “Mở” lảng đãng những tâm sự, giống với tùy bút và… gần với “những lời ngỏ” của các tập đặc san tuổi học trò năm nào. Thì đây là những kỷ niệm của chính Vũ, người con xứ biển lên với núi rừng: “ Đêm nay giữa rừng/ Ta quần tụ yến anh/ những sĩ-tốt của thời hiện đại/ Uống nỗi buồn/ Bằng một chén sắt/ nỗi buồn cứ chạy vòng quanh” ( trang 9). Và đó là nỗi đau của sự “tống biệt”: “ Người đi sóng vỗ lưng triền/ Tôi về quá đỗi xà- niên trên rừng” rồi “ Vẫy tay, bi thống reo, hề!/ Người xuống biển cả, tôi về non cao” ( trang 13).

     Thơ của Lương Minh Vũ hầu hết ghi làm ở…rừng Tây nguyên, từ Đắc Tô, Tân Cảnh tới Krongpach, Krongbuc… nên nó cứ trăn trở, đau đáu một nỗi nhớ biển, nhớ đồng bằng đến…nghẹn “ Mai trả rừng xưa mắt nghẹn ngào/ và em chút nhớ, cũng dù sao…/ một đời ta hận đường gai nhọn/ vương vỡ chân ai giọt máu đào” ( trang 26), và đây nữa “ Mai ta nằm xuống cũng cười/ Lá ơi! Đứng khóc hai mươi lìa rừng…” (trang 33).

     Bắt gặp ở thơ Vũ nhiều từ như “ xà- niên, bạch diện, thư sinh, cuồng điên nhân thế, Mán- Thượng” v.v… những từ xưa, nay ít dùng. Vũ hoài cổ hay vì thơ muốn “hạo nhiên tráng khí” thế hiện cái mộng “giang hồ xứ” mà phải dụng những từ ấy chăng? Cái cũ, mới đôi khi không đắc địa mà cứ mang mang một nỗi…

     Khúc đoản văn đóng lại tập thơ, ghi năm 1983, “những ngày giã từ áo lính” chốt lại 31 bài thơ và nhạc, âm hưởng như tiếng sóng chiều đồi Dương. Lạnh, buồn, xen chút náo nức của lối mới: “Đóng” là chuẩn bị mở ra một cánh cửa khác. Phải vậy không con người tài hoa Lương Minh Vũ?

     Hai tập thơ, hai phong thái khác nhau, song họ đang cùng ở chung một địa chỉ: Lagi, mảnh đất hiền, nghèo nhưng luôn đầy gió và tình người, nơi ấy là quê của Nguyễn Ngu Í, Bác sĩ Nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc, cùng nhiều văn nghệ sĩ khác. Xin cám ơn hai người bạn thơ, và tôi nghĩ hai tập thơ của các bạn, cũng đã là những tiếng sóng làm vang lên những rung động trong lòng người yêu thơ hôm nay.

Bên bờ Vàm Cỏ, 25/9/2011

TRẦN HOÀNG VY  

Bấm để xem: “MÂY TRẮNG CÒN BAY” Thơ THÁI ANH

Bài này đã được đăng trong Chung, viết về thái anh. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Bình luận về bài viết này